Meta AI đang dần trở thành một trợ lý tiềm năng trên các nền tảng hệ sinh thái của Meta như Facebook, Messenger, Instagram và Whatsapp. Cách sử dụng Meta AI giúp người dùng tối ưu hóa trải nghiệm giao tiếp, sáng tạo nội dung và tìm kiếm thông tin. Với khả năng tích hợp sâu vào các nền tảng mạng xã hội, Meta AI cho phép người dùng trò chuyện, tạo hình ảnh, tạo video và dịch thuật một cách dễ dàng. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của công cụ này, việc đặt prompt (đặt câu lệnh) hiệu quả trên Meta AI là chìa khóa quan trọng.
Bài viết này sẽ hướng dẫn người dùng cách sử dụng Meta AI hiệu quả, đồng thời cung cấp mẹo đặt prompt tối ưu để có được kết quả chính xác và gần với mong muốn nhất.
1. Meta AI là gì?
Meta AI là mô hình trí tuệ nhân tạo phát triển bởi Meta, được thiết kế để hỗ trợ người dùng trong nhiều lĩnh vực, từ giao tiếp tự nhiên, sáng tạo nội dung như hình ảnh và video, đến phân tích thông tin và dịch thuật đa ngôn ngữ. Meta AI hiện đã có mặt trên Facebook, Messenger, Instagram và WhatsApp, có thể sử dụng tại 42 quốc gia, trong đó có Việt Nam và hỗ trợ 13 ngôn ngữ.
Gần đây, Meta AI đã cho ra mắt ứng dụng độc lập, được xây dựng dựa trên nền tảng Llama 4 thế hệ AI mới mạnh mẽ. Ứng dụng có các tính năng nổi bật như:
- Tích hợp tính năng Discover feed: Nơi khám phá cách người khác dùng AI, chia sẻ prompt và remix nội dung sáng tạo.
- Kết nối liên tục giữa website và ứng dụng: Hỗ trợ người dùng chuyển đổi thiết bị dễ dàng, không gián đoạn trải nghiệm.
Tóm lại, Người dùng có thể tìm thấy Meta AI tại:
- Meta AI App: Meta AI app độc lập mới được Meta cho ra mắt và hỗ trợ kết nối liên tục giữa website và ứng dụng giúp trải nghiệm người dùng không bị gián đoạn. Ứng dụng có thể download ở iOS và Android.
- Facebook:
- Cách 1: Khi cập nhật phiên bản mới nhất, người dùng nhấn vào thanh tìm kiếm. Lập tức Meta AI được tích hợp sẽ xuất hiện
- Cách 2: Tìm thanh Menu sau đó truy cập “Đoạn chat với AI”.
- Messenger: Có hai cách để dùng Meta AI.
- Cách 1: Nhấn vào vòng tròn biểu tượng của Meta AI trên thanh tìm kiếm
- Cách 2: Đối với khung chat nhóm, người dùng chỉ cần nhập “@” ở phần nhắn tin để kích hoạt trợ lý này.
- Instagram: Ứng dụng này cũng có hai cách để truy cập Meta AI
- Cách 1: Nhấn vào icon tin nhắn, người dùng sẽ thấy Meta AI trên thanh tìm kiếm
- Cách 2: Nhấn vào mục cài đặt và hoạt động, Meta AI sẽ nằm ở cuối trang.
- WhatsApp: Người dùng sẽ nhìn thấy biểu tượng Meta AI ở góc phải màn hình và trên thanh tìm kiếm khi truy cập vào ứng dụng.
- Website: Ngoài việc sử dụng Meta AI trực tiếp trên các nền tảng của Meta, người dùng cũng có thể truy cập công cụ này tại địa chỉ website meta.ai để sử dụng ngay trên máy tính cá nhân.
2. Người dùng cần lưu ý những gì khi đặt prompt?
Một trong những mối lo ngại phổ biến khi sử dụng trí tuệ nhân tạo là khả năng trả về kết quả không đúng ý người dùng. Tuy nhiên với Meta AI, nếu biết cách đặt prompt , người dùng có thể kiểm soát chất lượng phản hồi.
2.1 Đặt câu hỏi rõ ràng để Meta AI hiểu đúng ngữ cảnh
Để nhận được kết quả tốt nhất, người dùng cần nhập prompt một cách có chủ đích và chi tiết. Theo khuyến nghị của Meta AI, prompt nên có độ dài từ 150 ký tự trở lên. Những câu prompt càng cụ thể sẽ giúp AI hiểu rõ hơn nhu cầu của người dùng và đưa ra phản hồi chính xác hơn.
Người dùng nên đặt câu hỏi rõ ràng, có ngữ cảnh cụ thể hoặc mô tả chi tiết về hình ảnh, màu sắc và ý tưởng mà mình mong muốn. Ví dụ, thay vì đặt câu hỏi chung chung như “Thú cưng nào là tốt nhất?”, người dùng nên hỏi “Những thú cưng nào phù hợp nhất cho gia đình có trẻ nhỏ?” để có được câu trả lời sát với nhu cầu hơn.
2.2 Tinh chỉnh phản hồi và yêu cầu AI hiểu đúng ngữ cảnh
Ngoài ra, người dùng có thể yêu cầu AI tinh chỉnh phản hồi theo mong muốn, chẳng hạn như rút gọn nội dung, thay đổi giọng điệu để trở nên thân thiện hơn hoặc cung cấp thêm thông tin chi tiết. Nếu kết quả chưa như ý, người dùng có thể tiếp tục yêu cầu điều chỉnh cho đến khi đạt được nội dung mong muốn.
2.3 Mở chủ đề mới khi thay đổi ngữ cảnh
Một điểm quan trọng khác là AI sẽ dựa trên lịch sử trò chuyện gần nhất để hiểu rõ bối cảnh và đưa ra phản hồi phù hợp. Do đó, nếu muốn chuyển sang một chủ đề hoàn toàn mới mà không bị ảnh hưởng bởi cuộc hội thoại trước, người dùng nên mở một đoạn chat mới bằng cách thoát khung trò chuyện và truy cập lại Meta AI.
Đây chính là giao diện của Meta AI trên Messenger
3. Hướng dẫn đặt prompt cho từng tính năng trên Meta AI
Meta AI cung cấp nhiều tính năng mạnh mẽ giúp người dùng tìm kiếm thông tin, giao tiếp, sáng tạo hình ảnh và video một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa khả năng của AI, người dùng cần biết cách đặt prompt sao cho rõ ràng, cụ thể và tối ưu nhất.
3.1 Đặt prompt khi tìm kiếm thông tin hoặc giao tiếp
Khi sử dụng Meta AI để tìm kiếm thông tin hoặc giao tiếp, người dùng chỉ cần nhập nội dung cần hỏi và Meta AI sẽ tổng hợp câu trả lời phù hợp. Đặc biệt, AI có thể kết hợp tìm kiếm thông tin từ văn bản với hình ảnh hoặc video, giúp mang lại kết quả toàn diện hơn.
Ví dụ, thay vì hỏi “Máy ảnh nào tốt để đi du lịch?”, người dùng có thể đặt câu hỏi cụ thể hơn như: “Tôi đang lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch cùng gia đình kéo dài hai tuần qua châu Á vào mùa hè này, tập trung vào chụp ảnh phong cảnh. Hãy đề xuất một chiếc máy ảnh nhẹ, bền cho những điều kiện này và cung cấp video đánh giá sản phẩm”. Việc cung cấp thêm thông tin về nhu cầu sẽ giúp AI đưa ra gợi ý phù hợp hơn.
Khi sử dụng Meta AI bằng Facebook, người dùng có thể tìm kiếm thông tin trên Facebook như hình ảnh hoặc video.
3.2 Đặt prompt cho những câu hỏi rộng
Nếu câu hỏi quá rộng, người dùng nên chia nhỏ nội dung để có được kết quả chi tiết hơn. Ví dụ, thay vì hỏi “Hãy cho tôi báo cáo về tác động và giải pháp của biến đổi khí hậu”, người dùng có thể đặt câu hỏi cụ thể hơn như “Những tác động chính của biến đổi khí hậu đối với các thành phố ven biển là gì?” và sau khi nhận được phản hồi, có thể tiếp tục hỏi “Giải pháp hiệu quả nhất cho những vấn đề này là gì?”.
3.3 Đặt prompt để sáng tạo hình ảnh & video
Đối với việc tạo video và hình ảnh, người dùng nên tạo prompt đầu tiên mô tả chi tiết hình ảnh mà mình mong muốn. Càng chi tiết về ngữ cảnh thì Meta AI sẽ trả kết quả về đúng với mong muốn của người dùng và câu lệnh mà người dùng đặt sẽ tối ưu hơn nếu bắt đầu từ “Hãy tưởng tượng một hình ảnh/một video…”. Ngoài ra, người dùng cũng cần chú ý đến màu sắc, ánh sáng và chất liệu để giúp AI hiểu rõ bối cảnh mà người dùng mong muốn. Cuối cùng, nếu muốn tạo hình ảnh có bố cục tự nhiên, người dùng nên đặt bối cảnh rõ ràng và mô tả hành động cụ thể, đặc biệt khi yêu cầu hình ảnh toàn thân.
Nếu người dùng muốn tạo một loạt hình ảnh có nội dung liên kết với nhau chẳng hạn như một storyboard, họ nên trả lời lại hình ảnh đã được tạo ra trước đó để AI hiểu được mạch câu chuyện.
Ngoài việc tạo hình ảnh mới, Meta AI còn có thể chỉnh sửa ảnh gốc bằng cách thêm, bớt vật thể hoặc thay đổi phông nền. Tuy nhiên, tính năng chỉnh sửa hình ảnh này hiện chỉ khả dụng tại Mỹ.
4. Kết luận
Meta AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ giao tiếp mà còn là một trợ lý ảo thông minh, giúp người dùng tối ưu hóa công việc và cuộc sống hàng ngày. Để khai thác tối đa tiềm năng của Meta AI, người dùng cần biết cách đặt prompt chính xác và chi tiết, đồng thời tận dụng linh hoạt các tính năng sẵn có. Khi hiểu rõ cách sử dụng Meta AI người dùng sẽ có thể khai thác Meta AI một cách hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho các nhu cầu cá nhân và công việc.
Nguồn: Advertising Vietnam