Trong những năm gần đây, Myers-Briggs Type Indicator (MBTI) không chỉ là một bài kiểm tra tính cách mà đã trở thành hiện tượng văn hóa, đặc biệt thu hút Gen Z. Ban đầu được ứng dụng trong tuyển dụng, MBTI ngày càng có ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống, từ hẹn hò, lựa chọn nghề nghiệp đến chiến lược marketing của các thương hiệu.
Khi tính cách trở thành “chứng minh thư”
MBTI xuất hiện khắp các nền tảng mạng xã hội, nơi giới trẻ dùng nó để tự định nghĩa bản thân. Thay vì giới thiệu bằng tên tuổi, nhiều người chọn các nhóm tính cách như INFJ (Người cố vấn), ESTP (Người thực thi) hay ENFP (Người truyền cảm hứng) để thể hiện cá tính.
Các cuộc tranh luận về MBTI “độc hại”, MBTI phù hợp với thần tượng K-POP, hay thậm chí là MBTI của thiết bị công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều, biến trắc nghiệm này thành một phần không thể thiếu trong văn hóa số.
MBTI trở thành công cụ marketing hiệu quả
Sự phổ biến của MBTI không chỉ dừng lại ở các cuộc trò chuyện trực tuyến, mà còn được các thương hiệu tận dụng để tiếp cận khách hàng. Thay vì chỉ phân loại khách hàng theo nhân khẩu học truyền thống, các doanh nghiệp bắt đầu khai thác tính cách MBTI để cá nhân hóa sản phẩm và chiến dịch quảng cáo.
Tại Nhật Bản, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã giới thiệu kẹo dẻo “MyBTI”, biến MBTI thành trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Chiến dịch này nhanh chóng gây bão trên các nền tảng xã hội Trung Quốc như Rednote và Xiaohongshu, thu hút đông đảo khách hàng mua sản phẩm để hoàn thành bộ sưu tập MBTI.
Điển hình như kẹo dẻo “MyBTI” đã biến MBTI để cá nhân hóa sản phẩm và chiến dịch quảng cáo (Nguồn: Tổng hợp)
Tại Thái Lan, thương hiệu gấu bông Care Bears cũng tận dụng trào lưu này, cho phép khách hàng chọn gấu dựa trên tính cách MBTI. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, các thương hiệu như Jeju Beer và Supreme Heart đã tích hợp MBTI vào chiến lược tiếp thị, tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa cao hơn.
Đặc biệt, sức hút của MBTI còn được các thần tượng K-POP thúc đẩy, khi họ tiết lộ nhóm tính cách trong các chương trình giải trí, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.
MBTI là xu hướng hay chỉ là chiêu trò ngắn hạn?
Theo báo cáo từ Omnicom Media Group (COE@OMG) Trung Quốc, xu hướng marketing dựa trên MBTI được dự báo sẽ trở thành 1 trong 6 xu hướng chủ đạo năm 2025, đặc biệt trong ngành ô tô và tiêu dùng nhanh.
Tuy nhiên, bà Connie Luo, Giám đốc COE@OMG, cảnh báo rằng marketing dựa trên MBTI chủ yếu là chiến thuật ngắn hạn. MBTI có thể giúp tăng mức độ tương tác, nhưng nếu lạm dụng hoặc áp dụng máy móc, thương hiệu sẽ mất đi tính mới mẻ và chân thực.
Sự phổ biến của MBTI đem lại cơ hội lớn, nhưng cũng tiềm ẩn thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự đơn giản hóa quá mức – khi phân loại tính cách trở thành khuôn khổ cứng nhắc, khách hàng có thể cảm thấy bị đóng khung thay vì được thấu hiểu.
Bà Angela Sy, CEO công ty branding The 25s, cho rằng MBTI hiện tại giống như một công cụ tạo buzz hơn là một chiến lược phát triển bền vững. “Không có thương hiệu nào sở hữu MBTI, do đó rất khó để xây dựng một chiến lược dài hạn dựa trên nó,” bà nhận định.
“Không có thương hiệu nào sở hữu MBTI” – Theo bà Angela Sy nhận định (Nguồn: Campaign Asia)
MBTI có thể là công cụ mạnh mẽ để thu hút sự chú ý, nhưng để thực sự tạo ra giá trị, các thương hiệu cần sử dụng nó một cách thông minh và chân thực. Thay vì chỉ chạy theo xu hướng, các doanh nghiệp nên xem MBTI là một điểm khởi đầu cho cuộc trò chuyện, giúp khách hàng kết nối với thương hiệu theo cách tự nhiên nhất.
Bạn nghĩ sao về việc marketing dựa trên MBTI? Đây có phải là chiến lược đột phá hay chỉ là một trào lưu nhất thời? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn vào phần bình luận bên dưới nhé!