Trang chủ / Tin Tức / Matcha Khan Hiếm: Cơ Hội Để Các Thương Hiệu F&B Tái Định Vị Sản Phẩm

Matcha Khan Hiếm: Cơ Hội Để Các Thương Hiệu F&B Tái Định Vị Sản Phẩm

Gần đây, thông tin về việc Nhật Bản đứng trước nguy cơ cạn kiệt Matcha bỗng trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều người, đặc biệt là những tín đồ đam mê các món ăn, đồ uống từ nguyên liệu này. Các tín đồ ẩm thực lo lắng rằng trong tương lai không xa, họ có thể không còn được thưởng thức những món ăn và đồ uống từ Matcha như trước nữa. Nhưng đối với các thương hiệu F&B, nỗi lo thiếu hụt Matcha không phải là thách thức mà lại là cơ hội để tái định vị sản phẩm và tạo dấu ấn riêng với khách hàng.

Nhu cầu tiêu thụ Matcha vượt quá khả năng cung ứng

Năm 2024, nhu cầu sử dụng Matcha bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu, tạo áp lực chưa từng có lên ngành công nghiệp trà của Nhật Bản. Tình trạng này không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng trở nên căng thẳng.

Từ cuối năm ngoái, những tin đồn về “khủng hoảng Matcha” bắt đầu lan rộng khi hai thương hiệu trà danh tiếng của Kyoto, Ippodo và Marukyu Koyamaen, lần đầu tiên áp dụng chính sách giới hạn số lượng Matcha mỗi khách hàng có thể mua. Điều này dẫn đến tình trạng “cháy hàng” tại nhiều cửa hàng, gây hoang mang cho cả du khách lẫn người tiêu dùng trong nước.

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), sản lượng trà của nước này đã tăng gần gấp ba lần từ năm 2010 đến 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Hiện nay, hơn một nửa sản lượng trà của Nhật Bản không còn được tiêu thụ trong nước mà được xuất khẩu ra thế giới. 

Trong khi nhu cầu Matcha tại Nhật có xu hướng giảm, thì ở các thị trường quốc tế, mức tiêu thụ lại tăng vọt. Dự báo từ Kametani Tea cho thấy số lượng đơn hàng Matcha năm 2024 có thể tăng thêm 10% – 20% so với năm trước, khiến áp lực lên nguồn cung vốn đã eo hẹp càng trở nên nghiêm trọng. 

Ngoài ra, theo Forbes, thị trường Matcha toàn cầu dự kiến sẽ đạt quy mô 5 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 10,39% từ 2023 đến 2028

Thách thức hay Cơ hội: Cách thương hiệu F&B thích nghi với cơn sốt Matcha

Thông tin về nguy cơ thiếu hụt Matcha không chỉ tác động đến ngành trà Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu F&B trên toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì xem đây là trở ngại, nhiều thương hiệu đã biến tình huống này thành cơ hội để củng cố hình ảnh và thu hút khách hàng bằng những chiến lược tái định vị sản phẩm của mình.

Matcha “đắt xắt ra miếng”: Khi giá cả trở thành yếu tố thu hút

Một quán cà phê tại Tokyo (Nhật Bản) đang gây xôn xao khi bán bột Matcha với mức giá cao ngất ngưởng khiến nhiều tín đồ ẩm thực không khỏi bất ngờ.

Cụ thể, THE MATCHA TOKYO – một cửa hàng chuyên về Matcha hữu cơ – đang niêm yết giá 34.000 yên (khoảng 5,9 triệu đồng) cho 250g Matcha Japan Premium. Con số này lập tức trở thành chủ đề bàn tán, bởi hiếm có loại nguyên liệu nào trong ngành thực phẩm lại đạt mức giá ấn tượng đến vậy.

Dù có mức giá không hề rẻ, nhiều thực khách vẫn săn đón các sản phẩm của thương hiệu này. Việc giá Matcha tăng cao không chỉ phản ánh sự khan hiếm của nguyên liệu này mà còn cho thấy sức hút ngày càng lớn của Matcha trên thị trường quốc tế. 

F&B Việt Nam ra mắt loạt sản phẩm mới để trấn an người tiêu dùng

Tại Việt Nam, thông tin về nguy cơ thiếu hụt Matcha cũng khiến nhiều thương hiệu nhanh chóng đưa ra những động thái chiến lược. Katinat là một trong những thương hiệu nhanh chóng bắt kịp xu hướng khi ra mắt Iki Matcha Latte, kết hợp giữa Matcha Nhật Bản và tàu hủ truyền thống, tạo nên một sản phẩm vừa mới lạ vừa gợi nhớ hương vị tuổi thơ. Thương hiệu cũng nhấn mạnh nguồn gốc Matcha của mình, khẳng định nguyên liệu được thu hoạch từ những búp trà non tại Nhật Bản, đảm bảo chất lượng và hương vị chuẩn mực.

Starbucks Việt Nam cũng không bỏ lỡ cơ hội với bộ sưu tập mùa xuân Strawberry Mochi Blossom Pure Matcha Latte, kết hợp giữa sữa dâu, mochi dẻo và matcha nguyên chất.

Trong khi đó, Cheese Coffee ra mắt BST “Gentle Matcha”, tập trung khai thác nguồn gốc Matcha từ nguồn trà Matcha Shizuoka, Nhật Bản và khai mở góc nhìn của người trẻ hiện đại về văn hoá Matcha nghi lễ (Ceremonial-grade) từ vùng Shizuoka và Uji, Kyoto.

Cơn sốt Matcha lan rộng khắp thế giới

Không chỉ các thương hiệu cà phê, vào ngày 26/3 vừa qua, No Brand – thương hiệu riêng của Emart, Hàn Quốc đã hợp tác cùng Super Matcha để ra mắt năm sản phẩm độc quyền kết hợp Matcha hữu cơ. 

“Super Matcha” là một thương hiệu trà hữu cơ thúc đẩy văn hóa ăn uống bền vững và lành mạnh. Thương hiệu này được biết đến với hình ảnh trẻ trung và độc đáo, được người mua sắm công nhận cao, đặc biệt là nhờ vị trí của thương hiệu tại nhiều trung tâm thương mại lớn tập trung xung quanh trụ sở chính tại Seongsu-dong.

Không chỉ tại châu Á, Matcha cũng đang trở thành một hiện tượng tại Mỹ. Trong 25 năm qua, doanh số bán Matcha tại Mỹ đã vượt 10 tỷ USD, với nhu cầu tăng mạnh nhờ sự lan tỏa trên mạng xã hội. Đặc biệt, TikTok với hashtag #MatchaTok đã góp phần tạo nên sự bùng nổ, khi các video về Matcha Latte, bánh ngọt Matcha và thức uống sáng tạo thu hút hàng triệu lượt xem.

Tận dụng xu hướng này, Base Design – một công ty thiết kế, truyền thông và xuất bản quốc tế có văn phòng đặt tại Brussels, New York, Geneva và Melbourne đã hợp tác với công ty Matcha 12 có trụ sở tại New York để xây dựng một thương hiệu cao cấp, lấy cảm hứng từ thời trang và chăm sóc sức khỏe. Dự án này không chỉ dừng lại ở việc thiết kế thương hiệu mà còn tham gia vào cả quá trình phát triển sản phẩm, đảm bảo sự đồng bộ từ hình ảnh đến chất lượng.

Với định hướng mang lại “khoảnh khắc bình tĩnh, sự tái thiết và nguồn năng lượng cho cuộc sống”, thương hiệu này ứng dụng thiết kế airbrush mềm mại, bảng màu xanh lá cây tươi sáng, kết hợp với không gian thưởng thức tinh tế tại Manhattan. Triết lý này còn thể hiện qua tên thương hiệu, lấy cảm hứng từ nhịp điệu tự nhiên và tần số não 12 hertz – trạng thái thư giãn lý tưởng.

Tuy nhiên, việc các thương hiệu F&B đồng loạt đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm Matcha trong thời điểm này không phải là ngẫu nhiên mà xuất phát từ những chiến lược kinh doanh và tâm lý thị trường rõ ràng. Có thể phân tích điều này dựa trên ba yếu tố chính: hiệu ứng tâm lý khan hiếm, xu hướng tiêu dùng lành mạnh và sự lan tỏa của truyền thông xã hội.

Hiệu ứng khan hiếm tăng giá trị cảm nhận

Thông tin về nguy cơ thiếu hụt Matcha đã vô tình tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ về mặt tâm lý người tiêu dùng. Khi một sản phẩm trở nên hiếm hoi, giá trị cảm nhận của nó cũng tăng lên đáng kể. Các thương hiệu hiểu rõ điều này và tận dụng cơ hội để định vị sản phẩm Matcha của mình như một mặt hàng cao cấp, khuyến khích khách hàng mua ngay trước khi nguồn cung trở nên khan hiếm hơn.

Một số thương hiệu, như THE MATCHA TOKYO đã niêm yết giá bột Matcha ở mức cao biến nó thành một món hàng xa xỉ, không chỉ là một nguyên liệu mà còn là biểu tượng của chất lượng và sự tinh tế. Chiến lược này giúp thương hiệu vừa củng cố hình ảnh cao cấp vừa kích thích nhu cầu tiêu dùng bằng chính yếu tố khan hiếm.

Sự lên ngôi của lối sống lành mạnh

Sau đại dịch, người tiêu dùng trên toàn thế giới ngày càng quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cân bằng và các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Matcha, với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, khả năng tăng cường năng lượng tự nhiên mà không gây căng thẳng như caffeine trong cà phê, đã nhanh chóng trở thành một “siêu thực phẩm” được săn đón.

Các thương hiệu F&B không bỏ lỡ cơ hội này khi định vị Matcha không chỉ là một nguyên liệu pha chế mà còn là lựa chọn đại diện cho phong cách sống hiện đại, lành mạnh. Những sản phẩm như Iki Matcha Latte của Katinat hay Gentle Matcha của Cheese Coffee không chỉ khai thác hương vị mà còn truyền tải câu chuyện về sự cân bằng, sức khỏe và nguồn năng lượng bền vững.

Truyền thông xã hội khuếch đại hiệu ứng Matcha

Trong thời đại mà xu hướng tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mạng xã hội, sự lan tỏa của matcha trên các nền tảng như TikTok, Instagram đã đẩy nhanh tốc độ phổ biến của sản phẩm này. Các video về Matcha Latte, bánh ngọt Matcha, hay các công thức sáng tạo liên tục viral, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.

Trước một thị trường đang bùng nổ như vậy, các thương hiệu F&B không thể đứng ngoài cuộc chơi. Việc đồng loạt ra mắt sản phẩm mới không chỉ giúp họ tận dụng xu hướng mà còn giữ chân khách hàng trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt. Starbucks, No Brand, Cheese Coffee đều nhanh chóng cập nhật danh mục sản phẩm Matcha để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng mạnh mẽ.

Tóm lại, việc các thương hiệu F&B đồng loạt truyền thông mạnh mẽ cho các sản phẩm Matcha không phải là một sự trùng hợp. Đây là một chiến lược bài bản nhằm tận dụng tâm lý khan hiếm, đón đầu xu hướng tiêu dùng lành mạnh và khai thác sức mạnh của truyền thông xã hội. 

Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, những thương hiệu nhạy bén nhất sẽ là những người có thể biến thách thức thành lợi thế, không chỉ duy trì sức hút của matcha mà còn nâng cao giá trị thương hiệu của chính mình.

Nguồn: Advertising Vietnam

0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự Công Nhận Là Gì Mà Khiến Ai Cũng Phải Đi Tìm? | Diễn Viên Mậu Đạt

Mậu Đạt ghi dấu ấn với khán giả qua hình tượng “Phi Thanh Vân lậu” trong Đoàn Lô tô Sài Gòn ...

LinkedIn Đang Trở Thành “Sàn Runway” Tiềm Năng Cho Các Thương Hiệu Xa Xỉ

Trong thế giới marketing xa xỉ, kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi các thương hiệu không chỉ ...

Những Thương Hiệu Toàn Cầu Đang Định Hình Xu Hướng Music Marketing

Quảng cáo không chỉ là những gì người xem thấy mà còn là những gì họ nghe. Khán giả mong đợi ...

Ẩn Ý Đằng Sau Câu Nói Viral Của Phát Phì Trong Nhà Gia Tiên | Diễn Viên Chí Tâm

Diễn viên Chí Tâm ghi dấu ấn qua các phim Ông Ngoại Tuổi 30, Em Chưa 18, Cô Thắm Về Làng ...

Tác giả nổi bật

Theo dõi tại

Tôi chưa có tài khoản? Đăng ký
Quên mật khẩu?