Mỗi năm trôi qua, việc các thương hiệu lớn quyết định thay đổi bộ nhận diện lại trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của cộng đồng thiết kế. Dù thành công hay gây tranh cãi, mỗi lần “thay áo” đều kéo theo hàng loạt phân tích chuyên sâu từ các chuyên gia, nhằm giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về ý nghĩa đằng sau từng bước chuyển mình.
Thông thường, những thay đổi trong bộ nhận diện thương hiệu không chỉ đơn thuần là làm mới hình ảnh, mà thường gắn liền mật thiết với đối tượng khách hàng mục tiêu, cải thiện doanh số, hay thích ứng với xu hướng thiết kế mới.
Dưới đây là tổng hợp những màn “lột xác” đáng chú ý từ các thương hiệu lớn trong nửa đầu năm 2025, cùng khám phá nhé!
1. Walmart thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sau 17 năm, khẳng định vị thế là một điểm đến công nghệ hiện đại
Sau 17 năm trung thành với bộ nhận diện cũ, Walmart – chuỗi siêu thị hàng đầu thế giới, chính thức tái định vị thương hiệu vào đầu năm nay. Mục tiêu của sự thay đổi này là khẳng định vị thế như một điểm đến công nghệ hiện đại, đồng thời giữ vững định hướng lấy khách hàng làm trung tâm. Đây được xem là bước chuyển mình quan trọng, kết hợp hài hòa giữa việc tôn vinh di sản thương hiệu và thích ứng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng đổi mới.
Tâm điểm của lần làm mới này chính là thiết kế logo mới. Walmart sử dụng một kiểu chữ mới đậm và rõ ràng hơn, lấy cảm hứng từ phông chữ Antique Olive, kiểu chữ từng xuất hiện trên chiếc mũ của Nhà sáng lập Sam Walton. Biểu tượng “Spark” (Tia sáng) quen thuộc vẫn được giữ lại, tượng trưng cho cam kết đồng hành cùng khách hàng, nhưng đã được tinh chỉnh với tỷ lệ hài hòa hơn, đường nét mềm mại và đậm chất hiện đại. Các tia sáng cũng được làm dày hơn, tạo cảm giác mạnh mẽ và rõ ràng hơn trong giao tiếp thị giác.
Phiên bản logo Walmart 2025 đánh dấu những thay đổi cơ bản về mặt nhận diện thương hiệu (Nguồn: Walmart)
Song song đó, bảng màu thương hiệu mới sử dụng hai tông màu chủ đạo là “True Blue” và “Spark Yellow”. Sự kết hợp này vừa giữ được tinh thần truyền thống, vừa mang lại diện mạo tươi sáng và hiện đại hơn so với bộ nhận diện cũ.
Điều đáng chú ý là quá trình tái định vị thương hiệu diễn ra trong bối cảnh kinh doanh thuận lợi. Doanh số tại các cửa hàng ở Mỹ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận tăng 8%. Walmart cũng ghi nhận sự gia tăng của nhóm khách hàng có thu nhập cao, nhờ chiến lược đầu tư mạnh vào mảng kinh doanh tạp hóa và tận dụng lợi thế quy mô để giữ giá cạnh tranh trong giai đoạn lạm phát cao.
Sự thay đổi này kết hợp tinh tế giữa việc tôn vinh lịch sử thương hiệu lâu đời và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại (Nguồn: Tổng hợp)
Theo ông William White, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Tiếp thị của Walmart Mỹ, thương hiệu quyết định tái thiết hình ảnh thương hiệu để theo kịp xu hướng số hoá, phản ánh tầm nhìn dài hạn của Walmart – trở thành nhà bán lẻ kỹ thuật số truyền cảm hứng, cung cấp đầy đủ sản phẩm và dịch vụ khách hàng cần. Đây là sự kết hợp giữa di sản của ông Sam Walton và định hướng phát triển bền vững, nhằm phục vụ tốt hơn cho thế hệ khách hàng tương lai.
Walmart cũng cải tiến trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng bằng cách thay thế các hệ thống biểu tượng truyền thống bằng các bức tranh tường minh họa đầy màu sắc. Những hình ảnh trực quan này không chỉ góp phần tạo nên không gian sống động mà còn giúp khách hàng dễ dàng định vị các khu vực trong siêu thị, nâng cao tính tiện nghi và sự kết nối với thương hiệu.
Sự thay đổi trong bộ nhận diện thương hiệu nhằm truyền tải tốt hơn mô hình dịch vụ đa kênh mà Walmart đang triển khai (Nguồn: Walmart)
2. Mazda đổi logo sau 28 năm, bắt kịp xu hướng logo 2D, đơn sắc được nhiều thương hiệu lớn ưa chuộng
Lần đầu tiên sau 28 năm, Mazda chính thức làm mới bộ nhận diện thương hiệu với logo theo phong cách thiết kế phẳng và đơn sắc – xu hướng tối giản đang được nhiều thương hiệu toàn cầu theo đuổi trong những năm gần đây. Đây được xem là lần tái thiết kế quan trọng nhất của Mazda kể từ năm 1997, khi hãng lần đầu ra mắt biểu tượng chữ M cách điệu lấy cảm hứng từ hình ảnh chim mòng biển, trở thành dấu ấn đặc trưng của thương hiệu xe Nhật Bản suốt gần 3 thập kỷ.
Logo mới của Mazda (bên phải) được thiết kế theo hướng tối giản, loại bỏ hoàn toàn hiệu ứng 3D của các phiên bản trước đây (Nguồn: Mazda)
Logo mới lần đầu lộ diện là vào tháng 7/2024, khi Mazda nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tại Cục Sáng chế Nhật Bản. Thiết kế lần này giữ lại bố cục quen thuộc nhưng tinh chỉnh các chi tiết để phù hợp hơn với ngôn ngữ thiết kế hiện đại. Biểu tượng đôi cánh được chuyển thành các đường thẳng rõ ràng, góc cạnh được bo tròn mềm mại hơn, và vòng bầu dục bên ngoài cũng được làm tròn trịa hơn. Đặc biệt, hiệu ứng 3D mô phỏng kim loại đã được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là giao diện phẳng, giúp logo hiển thị tốt hơn trên các nền tảng số. Dù thay đổi đáng kể về mặt thị giác, tổng thể thiết kế vẫn đủ gần gũi để người dùng dễ dàng nhận diện.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh toàn ngành công nghiệp ô tô đang chuyển dịch mạnh mẽ sang thiết kế 2D để tối ưu hiển thị trên thiết bị kỹ thuật số. Trước Mazda, đã có trên dưới 20 thương hiệu quốc tế lớn như Volkswagen, Audi, BMW, Volvo, Ford, Nissan, MINI, Kia và Jaguar thực hiện điều tương tự. Với xu hướng này, việc Mazda cập nhật hiện diện thương hiệu là bước đi tất yếu để không bị tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, Mazda không áp dụng đồng loạt logo mới cho toàn bộ dòng xe. Theo kế hoạch, chỉ các ứng dụng kỹ thuật số sẽ sử dụng 100% thiết kế phẳng mới. Trong khi đó, một số dòng xe, như mẫu sedan EZ-6 ra mắt năm 2024, sẽ sử dụng phiên bản chuyển tiếp: logo được đơn giản hóa bằng cách loại bỏ hiệu ứng đổ bóng, nhưng vẫn giữ lại đôi cánh cong đặc trưng từ bản cũ.
Mazda EZ-6 sử dụng logo 2D đơn giản hoá nhưng vẫn giữ nguyên bộ khung thiết kế quen thuộc với đôi cánh cong đặc trưng (Nguồn: Mazda)
Việc thay đổi logo sau gần ba thập kỷ không chỉ là động thái làm mới hình ảnh, mà còn thể hiện nỗ lực của Mazda trong việc bắt kịp thời đại, tối ưu hóa tính ứng dụng và đảm bảo sự linh hoạt trên các nền tảng số. Dù thay đổi về mặt hình thức, logo mới vẫn giữ vững tinh thần và giá trị cốt lõi của thương hiệu, tạo nên sự kết nối liền mạch giữa truyền thống và hiện đại, giúp Mazda duy trì sự nhận diện quen thuộc trong lòng người tiêu dùng.
Mazda từng sử dụng nhiều mẫu logo khác nhau trong quá khứ, trong đó các thiết kế đầu tiên được lấy cảm hứng từ hình ảnh máy phay, thay vì chữ M hay tên Mazda như ở các phiên bản sau này (Nguồn: Tổng hợp)
3. OpenAI lần đầu tiên thay đổi nhận diện thương hiệu, mang đến hình ảnh chân thật và gần gũi hơn
Sau nhiều năm định hình và dẫn dắt ngành công nghệ AI, OpenAI – công ty đứng sau ChatGPT, chính thức thực hiện tái định vị thương hiệu đầu tiên trong lịch sử. Sự thay đổi này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển, với mục tiêu làm mới hình ảnh để phản ánh rõ hơn triết lý hoạt động và tầm nhìn tương lai.
Bộ nhận diện thương hiệu mới bao gồm hàng loạt yếu tố được thiết kế lại, từ bảng màu, phông chữ, biểu tượng chữ đến logo. Trong đó, logo “bông hoa” từng gây tranh cãi về tính cân đối cũng được tinh chỉnh lại, mang dáng vẻ mượt mà và hiện đại hơn. Các đường nét bên ngoài được làm đồng đều và mềm mại, trong khi hình khối bên trong vẫn giữ sự bất đối xứng một cách có chủ ý, tạo nên sự cân bằng giữa độ chính xác của công nghệ và tính nhân văn gần gũi.
Biểu tượng logo của OpenAI phiên bản cũ và mới (Nguồn: OpenAI)
Các biểu tượng logo đã được cải tiến của OpenAI vẫn giữ nguyên yếu tố nhận diện quen thuộc nhưng được tinh chỉnh với đường nét mượt mà hơn, phần trung tâm cũng được mở rộng nhằm tạo cảm giác cởi mở và linh hoạt (Nguồn: OpenAI)
Điểm nhấn nổi bật trong lần thay đổi này là phông chữ mới mang tên OpenAI Sans, được thiết kế riêng cho thương hiệu. Phông chữ này được mô tả là sự kết hợp giữa tính hình học rõ ràng và cảm giác thân thiện, tạo nên một hình ảnh vừa chuẩn mực, vừa dễ tiếp cận.
Phông chữ mới OpenAI Sans kết hợp giữa tính hình học chính xác và đường nét mềm mại, tạo cảm giác thân thiện hơn trong giao diện (Nguồn: OpenAI)
Bên cạnh đó, bảng màu mới với tông xám và xanh dương chủ đạo gợi liên tưởng đến “chân trời, bầu trời và không gian rộng lớn”, những biểu tượng cho sự mở rộng không gian giới hạn của công nghệ. Đặc biệt, hệ thống hình ảnh đi kèm trong bộ nhận diện mới bao gồm các bức ảnh phong cảnh và tĩnh vật do nhiều nhiếp ảnh gia đương đại thực hiện.
Bảng màu mới của OpenAI sử dụng các tông màu xám và xanh dương mat1 mẻ làm chủ đạo, biểu tượng cho sự tiến bộ và định hướng tương lai (Nguồn: OpenAI)
Dù AI không trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế, các công cụ nội bộ của OpenAI vẫn đóng vai trò hỗ trợ đáng kể. Những công cụ này được sử dụng để tính toán tỷ lệ phông chữ và cấu trúc thiết kế, kết hợp trực giác sáng tạo của con người với độ chính xác và hiệu quả từ máy móc.
Thông qua lần tái định vị này, OpenAI không chỉ làm mới hình ảnh nhận diện, mà còn thúc đẩy sự giao thoa hài hòa giữa con người và công nghệ. Đồng thời, thương hiệu cũng tái khẳng định cam kết phát triển AI một cách có trách nhiệm, luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong mọi quyết định thiết kế và công nghệ.
4. Amazon tái định vị thương hiệu sau 25 năm, thống nhất hệ sinh thái với hơn 50 thương hiệu con
Kể từ khi thành lập vào năm 1994, Amazon đã không ngừng mở rộng để trở thành một hệ sinh thái toàn diện với nhiều lĩnh vực đa dạng như Prime Video, Alexa, Amazon Basics, Amazon Photos,… Đặc biệt, sau khi giới thiệu logo “mũi tên hình nụ cười” vào năm 2000, tốc độ phát triển của Amazon càng trở nên mạnh mẽ hơn, thâm nhập sâu vào các ngành hàng từ bán lẻ, tạp hoá đến y tế và giải trí trực tuyến. Tuy nhiên, chính sự lớn mạnh này lại khiến trải nghiệm thương hiệu dần trở nên rời rạc và thiếu tính kết nối giữa các sản phẩm, dịch vụ và thị trường.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tái cấu trúc thương hiệu một cách toàn diện. Và Amazon đã chính thức bước vào cuộc “lột xác” quy mô lớn, khi hợp nhất hơn 50 thương hiệu con dưới một hệ thống nhận diện đồng nhất.
Hệ thống nhận diện trước đây được sử dụng cho hơn 50 thương hiệu con trực thuộc Amazon (Nguồn: Tổng hợp)
Với quy mô khổng lồ của các nhánh thương hiệu, cộng với việc hệ thống nhận diện thường bị sử dụng sai cách hoặc không thống nhất, đội ngũ thiết kế của Koto, phối hợp cùng nhóm nội bộ của Amazon, đã phải cẩn trọng điều chỉnh từng chi tiết để đảm bảo tính nhất quán trên toàn hệ sinh thái.
Logo biểu tượng của Amazon với mũi tên cong tượng trưng cho hành trình “từ A đến Z” và nụ cường thân thiện, từ lâu đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng. Ở phiên bản mới, biểu tượng này được tinh chỉnh nhẹ nhàng, với đường cong nụ cười sâu và sắc nét hơn, phần mũi tên được nhấn mạnh để tăng độ nhận diện nhưng vẫn giữ bản sắc quen thuộc.
Điểm nhấn trong diện mạo mới là nụ cười Amazon được làm nổi bật và thân thiện hơn, biểu tượng mũi tên từ A đến Z vẫn giữ lại nhưng được tinh chỉnh để thể hiện triết lý thương hiệu: “Làm cuộc sống khách hàng dễ dàng hơn” (Nguồn: Amazon)
Bên cạnh logo chính, toàn bộ hệ thống hình ảnh thương hiệu cũng được tinh giản theo hướng hiện đại, nhất quán và tối ưu cho hiển thị số. Amazon đã phát triển riêng bộ phông chữ Amazon Logo Sans, tạo nên diện mạo thống nhất cho toàn bộ thương hiệu mẹ và các thương hiệu con. Các logo con cũng được điều chỉnh để đồng bộ về cấu trúc thị giác, đảm bảo hoạt động mượt mà trong cùng một hệ thống.
Koto phát triển kiểu chữ mới mang tên Amazon Logo Sans để sử dụng nhất quán trên mọi nền tảng, từ ứng dụng đến xe giao hàng (Nguồn: Amazon)
Về màu sắc, bộ nhận diện mới xoay quanh hai tông chủ đạo: Smile Orange – màu cam biểu tượng gắn liền với sự năng động của thương hiệu, và Prime Blue – sắc xanh kỹ thuật số nổi bật, đại diện cho dịch vụ Prime. Ngoài ra, hệ thống icon cũng được thiết kế lại hoàn toàn, đảm bảo tính thống nhất, dễ nhận diện và tương thích linh hoạt trên mọi nền tảng và kích thước hiển thị.
Sự thay đổi màu sắc của Amazon và Prime trước và sau khi cập nhật (Nguồn: Amazon)
Amazon đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi sự chuyên nghiệp và hiện đại được nâng tầm mà vẫn giữ vững những giá trị cốt lõi đã xây dựng trong suốt hành trình phát triển. Đây là minh chứng rõ nét cho cách một thương hiệu có thể đổi mới và thích nghi với thời đại mà không làm phai mờ bản sắc riêng biệt vốn đã trở thành nền tảng thương hiệu.
Các nhánh thương hiệu con của Amazon được định vị bằng màu sắc riêng nhưng cùng chung tinh thần, ví dụ như Prime sử dụng màu xanh dương đậm hiện đại, trong khi Amazon Grocery chọn màu xanh lá tươi mát (Nguồn: Amazon)
5. Adobe thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, hướng đến sự đơn giản và sáng tạo
Trong bối cảnh thiết kế ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc định hình thành công của các tập đoàn lớn, Adobe, công ty phần mềm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế, đã làm mới bộ nhận diện thương hiệu của mình. Động thái này được thực hiện với sự hợp tác cùng Mother Design, một trong những công ty thiết kế được đánh giá cao nhất hiện nay.
Trọng tâm trong lần tái định vị này là logo mới, được phát triển dựa trên tinh thần của thiết kế gốc do Marva Warnock tạo ra vào năm 1982. Biểu tượng “A” đặc trưng giờ đây được tích hợp trực tiếp vào chữ “Adobe”, tạo thành một tổng thể liền mạch và hiện đại. Thiết kế mới không còn sử dụng biểu tượng “A” đứng riêng hoặc đi kèm dòng chữ “Adobe” ở phía dưới như trước, giúp định hình một hình ảnh gọn gàng, tự tin và dễ nhận diện hơn trong môi trường số ngày nay.
Logo mới của Adobe sử dụng chữ “A” đứng độc lập, hoặc loại bỏ việc sử dụng “A” cùng với tên “Adobe”, đã tạo nên hình ảnh hiện đại và dễ nhận diện hơn (Nguồn: Tổng hợp)
Bảng màu thương hiệu cũng được tinh chỉnh, giữ lại sắc đỏ đặc trưng nhưng được làm đậm và sắc nét hơn, kết hợp cùng sắc đen và trắng. Sự lựa chọn màu sắc này không chỉ tôn vinh di sản thị giác của Adobe mà còn giúp thương hiệu nổi bật giữa các logo gradient đa sắc đang thịnh hành trong ngành phần mềm.
Một điểm nhấn mới trong hệ thống nhận diện là sự xuất hiện của “Adobe Lens”, khung viền đỏ dùng để chứa và làm nổi bật hình ảnh. Yếu tố này tượng trưng cho vai trò của Adobe như một cổng thông tin đến sự sáng tạo, đồng thời tạo nên sự thống nhất về mặt thị giác trong toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm.
“Adobe Lens” – khung viền đỏ bao quanh hình ảnh, giúp thống nhất cách sử dụng hình ảnh trên toàn bộ hệ thống thương hiệu và tạo điểm nhận diện nhất quán (Nguồn: Adobe)
Mother Design cũng phát triển một hệ thống nhận diện toàn diện cho các thương hiệu con trong danh mục sản phẩm của Adobe. Các logo sản phẩm giờ đây được làm mới, sử dụng phông chữ Adobe Clean Display – phiên bản cải tiến do chính Adobe hợp tác cùng MCKL Type phát triển. Nhờ đó, toàn bộ hệ sinh thái trở nên đồng bộ hơn về mặt ngôn ngữ hình ảnh.
Phông chữ Adobe Clean được phát triển thành phiên bản hiển thị, trong sự hợp tác giữa nhóm thiết kế phông chữ của Adobe và MCKL Type (Nguồn: Adobe)
Bên cạnh phần nhận diện thương hiệu, Adobe còn tái cấu trúc trải nghiệm giao diện người dùng (UI) dựa trên Spectrum – framework thiết kế sản phẩm của Adobe. Hệ thống này bao gồm các biểu tượng được vẽ lại, linh hoạt hơn, và hành vi chuyển động được đồng bộ hóa nhằm đảm bảo trải nghiệm người dùng nhất quán trên mọi ứng dụng.
Dù được triển khai một cách âm thầm, bộ nhận diện thương hiệu mới đã được giới thiệu qua một bài đăng của Mother Design trên Instagram vào đầu tuần này. Adobe, tuy không chính thức công bố rầm rộ, nhưng rõ ràng đã thực hiện một cuộc thay đổi mang tính chiến lược.
Tương tự như các cuộc tái định vị thương hiệu gần đây của Amazon và Walmart, Adobe không tiến hành một cuộc “đại tu” hoàn toàn mà lựa chọn hướng tiếp cận tinh chỉnh và hoàn thiện. Đây là minh chứng cho xu hướng giữ lại những giá trị di sản, đồng thời hiện đại hóa để phù hợp với kỳ vọng và nhu cầu người dùng đương đại.
Nguồn: Advertising Vietnam