Sau nhiều năm giới thiệu các mô hình AI mã nguồn mở Llama tại các hội nghị Connect, Meta chính thức nâng tầm chiến lược phát triển AI của mình bằng việc tổ chức LlamaCon – hội nghị đầu tiên dành riêng cho cộng đồng nhà phát triển AI tạo sinh, diễn ra vào ngày 29/04 vừa qua.
Trong lần tổ chức đầu tiên này, Meta đã công bố hàng loạt cập nhật quan trọng, đồng thời giới thiệu công cụ mới nhằm giúp dòng mô hình Llama trở nên dễ tiếp cận, thân thiện và linh hoạt hơn với các lập trình viên trên toàn cầu. Đây được xem là bước đi chiến lược trong nỗ lực mở rộng hệ sinh thái AI mã nguồn mở của Meta.
Meta ra mắt ứng dụng AI độc lập, cạnh tranh với ChatGPT
Sau khi tích hợp Meta AI vào loạt nền tảng phổ biến như WhatsApp, Instagram, Facebook và Messenger, Meta tiếp tục mở rộng chiến lược AI của mình bằng việc ra mắt một ứng dụng AI độc lập.
Động thái này đánh dấu bước đi quan trọng trong tham vọng của CEO Mark Zuckerberg nhằm khẳng định vị thế của Meta trong cuộc đua AI, sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn như OpenAI, Google, Anthropic và Deepseek.
Ứng dụng Meta AI được xây dựng trên nền tảng Llama 4 – mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới nhất của công ty. Llama 4 được phát triển với mục tiêu đạt khả năng suy luận vượt trội, hỗ trợ đa ngôn ngữ và mang lại hiệu suất tối ưu, nhằm đối đầu trực tiếp với các mô hình tiên tiến từ những đối thủ kể trên.
Khác biệt nổi bật của ứng dụng AI này nằm ở khả năng cá nhân hóa sâu, nhờ việc tận dụng nguồn dữ liệu ngữ cảnh phong phú từ các nền tảng mạng xã hội mà người dùng đã liên kết, như Facebook và Instagram. Đây là lợi thế độc quyền mà Meta sở hữu – một kho dữ liệu khổng lồ về hành vi, sở thích và mối quan hệ của người dùng, điều mà các đối thủ như OpenAI hay Anthropic không có được.
Meta nhấn mạnh rằng các tính năng cá nhân hóa được xây dựng dựa trên “thông tin mà người dùng đã chọn chia sẻ” trong hệ sinh thái sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, hiện các tính năng này chỉ mới khả dụng tại thị trường Mỹ và Canada.
Người dùng có thể chủ động bổ sung thông tin để nâng cao trải nghiệm tương tác với AI. Ví dụ, bạn có thể cho biết mình bị dị ứng lactose, để Meta AI tránh đề xuất các hoạt động liên quan đến rượu vang và phô mai trong các gợi ý kỳ nghỉ.
Dù vậy, Meta cũng thừa nhận rằng việc cá nhân hóa trải nghiệm đồng nghĩa với việc công ty tiếp tục khai thác dữ liệu người dùng – yếu tố cốt lõi trong hoạt động quảng cáo mục tiêu, vốn là nguồn thu chính của hãng. Người dùng cần ý thức rõ về cách dữ liệu cá nhân có thể được sử dụng khi tương tác với chatbot.
Một điểm mới thú vị trong ứng dụng AI độc lập này là tính năng “Discover”, cho phép người dùng chia sẻ cách họ tương tác với AI cùng bạn bè. Chẳng hạn, người dùng có thể yêu cầu AI mô tả họ bằng ba biểu tượng cảm xúc, rồi đăng kết quả lên nguồn cấp dữ liệu nếu muốn. Việc chia sẻ này hoàn toàn do người dùng chủ động lựa chọn.
Nguồn cấp dữ liệu này cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy các xu hướng AI tạo sinh lan truyền trên mạng xã hội. Những trào lưu như tạo hình ảnh theo phong cách búp bê Barbie hay nhân vật của Studio Ghibli từng gây “sốt” trước đây là ví dụ điển hình cho sức lan tỏa này.
Cuối cùng, Meta cho biết ứng dụng AI độc lập sẽ không hoạt động tách biệt, mà sẽ được tích hợp với kính thông minh có hỗ trợ AI của hãng, đồng thời hợp nhất với ứng dụng đồng hành hiện tại – nhằm tạo nên một hệ sinh thái AI liền mạch và tương tác đa nền tảng.
AI trở thành “lập trình viên” tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu
Trong sự kiện LlamaCon, các lãnh đạo cấp cao của Microsoft, Google và Meta đã tiết lộ rằng trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc viết mã nguồn cho các công ty công nghệ lớn này, với tỷ lệ đáng kể và có xu hướng tăng mạnh trong tương lai.
Cụ thể, Microsoft cho biết khoảng 30% mã nguồn phần mềm nội bộ hiện được tạo ra bởi AI. “Khoảng 20 đến 30% số dòng code trong các kho lưu trữ và dự án của chúng tôi được viết bằng AI,” CEO Satya Nadella chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh rằng các tác nhân AI không chỉ hỗ trợ viết code mà còn tham gia vào quá trình xem xét và kiểm thử mã, với tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng. Công nghệ này đặc biệt hiệu quả với các ngôn ngữ lập trình như Python, tuy nhiên hiệu suất vẫn còn hạn chế đối với các ngôn ngữ phức tạp hơn như C++.
Trong cuộc đối thoại tại sự kiện, Nadella đặt câu hỏi với Mark Zuckerberg, CEO Meta về mức độ sử dụng AI trong quá trình phát triển phần mềm tại Meta. Dù không đưa ra con số cụ thể, CEO Meta cho biết công ty đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng các mô hình AI nhằm đơn giản hóa quy trình lập trình. Anh dự đoán rằng trong năm tới, một nửa hoạt động phát triển phần mềm tại Meta có thể sẽ do AI đảm nhiệm, và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Zuckerberg cho biết Meta hiện đang triển khai AI ở những lĩnh vực có phạm vi hẹp và kết quả dễ đo lường, chẳng hạn như xếp hạng quảng cáo và thử nghiệm nguồn cấp dữ liệu. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định việc thay thế lập trình viên bằng AI sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của công ty. Ngay từ đầu năm, anh đã nêu rõ quan điểm rằng AI có thể đảm nhiệm công việc của một kỹ sư phần mềm cấp trung. Trong một cuộc phỏng vấn trên podcast The Joe Rogan Experience ngày 10/01, Zuckerberg chia sẻ: “Chúng tôi đang hướng tới việc phát triển một mô hình AI có thể hoạt động như một kỹ sư trung cấp, đủ khả năng viết mã một cách thành thạo.”
Zuckerberg thừa nhận giai đoạn đầu triển khai AI có thể gây tốn kém, nhưng anh tin rằng khi đạt đến mức vận hành ổn định, AI sẽ tự kiểm soát và lên kế hoạch công việc, giúp giảm chi phí đáng kể.
Không chỉ Microsoft và Meta, nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác cũng đang tăng cường ứng dụng AI trong phát triển phần mềm. Tuần trước, Sundar Pichai, CEO Google tiết lộ rằng hơn 30% code mới tại công ty được viết bằng AI – tăng so với mức 25% hồi tháng 10/2024.
Các công ty nhỏ hơn cũng đang thích nghi với xu hướng này. Ngày 28/04, Luis von Ahn – CEO Duolingo cho biết công ty sẽ dần thay thế nhân viên hợp đồng bằng AI. Trong khi đó, Tobi Lutke – CEO Shopify yêu cầu ban quản lý phải chứng minh rằng AI không thể đảm nhiệm công việc của họ trước khi yêu cầu mở rộng nhân sự.
Làm dấy lên lo ngại về làn sóng mất việc do AI
Xu hướng trên cho thấy các trợ lý lập trình AI đã chuyển từ công cụ hỗ trợ thành một phần không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về cách tính toán các tỷ lệ này và định nghĩa thế nào là mã do AI tạo ra so với mã do con người hướng dẫn.
Sự phát triển nhanh chóng của AI trong lĩnh vực lập trình không chỉ ảnh hưởng đến quy trình phát triển phần mềm mà còn tác động đến chiến lược tuyển dụng của các công ty công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã giảm tốc độ tuyển dụng kỹ sư hoặc cắt giảm nhân sự, đặc biệt là ở cấp độ Junior, với lý do đến từ những tiến bộ của AI.
Cụ thể, Salesforce tuyên bố ngừng tuyển kỹ sư mới trong năm nay vì AI giúp tăng năng suất kỹ thuật đến 30%. Stripe đã sa thải 300 nhân viên kỹ thuật vào tháng 1 vì lý do tương tự. Klarna, công ty tài chính trực tuyến của Thụy Điển, cũng cho biết họ gần như không tuyển dụng trong suốt hơn một năm qua, do tin rằng “AI có thể làm mọi thứ”.
Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về làn sóng mất việc do AI. Theo Business Insider, nhiều chuyên gia nhận định việc cắt giảm nhân sự diện rộng trong ngành công nghệ năm ngoái phần nào bắt nguồn từ ảnh hưởng của AI.
Dù vậy, AI không phải là nguyên nhân duy nhất. Microsoft cho biết họ đang cân nhắc cắt giảm các vị trí quản lý cấp trung, đồng thời ưu tiên tuyển dụng các kỹ sư có kỹ năng sử dụng AI để lập trình. Kevin Scott, Giám đốc Công nghệ của Microsoft, dự đoán rằng trong 5 năm tới, 95% code sẽ được tạo ra bởi AI, với rất ít dòng được viết thủ công. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vai trò của con người vẫn rất quan trọng trong việc định hình kiến trúc phần mềm và thiết kế tổng thể.
Đồng quan điểm, Sam Altman – CEO OpenAI cũng cho rằng AI hiện đang thực hiện tới 50% công việc lập trình tại một số công ty. Trả lời Stratechery, anh cảnh báo rằng lập trình viên cần học cách sử dụng AI nếu không muốn bị thay thế.
Nguồn: Advertising Vietnam