Trang chủ / Tin Tức / Chatbot AI Sẽ Là Nền Tảng Quảng Cáo Mới Trong Tương Lai

Chatbot AI Sẽ Là Nền Tảng Quảng Cáo Mới Trong Tương Lai

Với sự gia tăng nhanh chóng của các chatbot, nhiều người dùng dự đoán rằng các chatbot này sẽ tích hợp quảng cáo vào dịch vụ. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra thách thức cho các nhà phát triển: làm thế nào để có thể tích hợp quảng cáo mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng nhưng vẫn giữ vững giá trị cốt lõi?

OpenAI được dự đoán sẽ tích hợp quảng cáo vào ChatGPT trong tương lai, Perplexity từ lâu đã triển khai quảng cáo trong chatbot 

Với hơn 250 triệu người dùng hoạt động hàng tuần chỉ riêng trên ChatGPT đã mang lại cho OpenAI một lượng người dùng khổng lồ để thu hút các nhà quảng cáo. Trong bối cảnh chi phí vận hành ngày càng tăng, dự đoán sẽ vượt mức 5 tỷ USD mỗi năm, có nhiều thông tin cho rằng OpenAI đang khai thác quảng cáo như một nguồn doanh thu tiềm năng.

Gần đây, công ty đã tuyển dụng một số nhân sự đáng chú ý có kinh nghiệm trong ngành quảng cáo, bao gồm việc bổ nhiệm giám đốc marketing đầu tiên và mời Shivakumar Venkataraman – cựu lãnh đạo bộ phận quảng cáo tìm kiếm của Google về làm phó chủ tịch tại OpenAI. Tuy vậy, Bà Sarah Friar – Giám đốc tài chính của OpenAI cho biết hiện công ty “chưa có kế hoạch cụ thể nào để triển khai quảng cáo”. Thay vào đó, họ đang tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi như ChatGPT, Sora, Dall-E và các dịch vụ API – những lĩnh vực được xem là vẫn còn nhiều cơ hội doanh thu trong thời gian tới.

Manolis Perrakis – Giám đốc đổi mới sáng tạo tại We Are Social Singapore nhận định rằng: “Việc đưa quảng cáo vào có thể làm phân tán mục tiêu cốt lõi của OpenAI thay vì mang lại lợi ích lâu dài”.

Bên cạnh đó, Perplexity đã bắt đầu triển khai nhiều hình thức quảng cáo tích hợp AI, tập trung vào các vị trí trong kết quả tìm kiếm như: Câu hỏi gợi ý có tài trợ, quảng cáo ở góc màn hình bên cạnh, video ads và nội dung giải thích có thương hiệu. Công ty này bắt đầu chạy quảng cáo từ cuối năm 2024 và cho biết lượng tương tác đạt khoảng 20 triệu lượt truy vấn mỗi ngày vào đầu năm 2025, so với chỉ 2,5 triệu đầu năm 2024. Những số liệu này đã mở ra tiềm năng lớn cho doanh thu quảng cáo.

Kellyn Coetzee – Giám đốc quốc gia mảng AI & Insights tại Kinesso Australia – dự đoán rằng chatbot AI không chỉ là một kênh quảng cáo mới, mà là một bước tiến hóa tiếp theo của tìm kiếm: “Trong khi TikTok và Pinterest đang khoe khả năng tìm kiếm, thì ChatGPT và Perplexity đang định vị mình như ‘Google của tương lai’, nhờ sự hợp tác với các nhà xuất bản”. Cô nói thêm: “Các nền tảng này không chỉ thu hút sự chú ý của người dùng, mà còn chạm tới ý định người dùng ở mức độ sâu sắc nhất.”

Chatbot AI không phải là một nền tảng quảng cáo như những trang mạng xã hội khác

Khác với các nền tảng mạng xã hội, nơi quảng cáo dễ dàng hòa vào dòng nội dung khi người dùng lướt một cách thụ động thì chatbot AI lại tương tác trực tiếp, cá nhân hóa hơn. Điều này có thể khiến quảng cáo vừa là điểm cộng, vừa có thể là nguyên nhân gây khó chịu cho người dùng.

Các định dạng quảng cáo mới trong môi trường chatbot như: Câu trả lời được tài trợ, truy vấn gợi ý, bản demo sản phẩm tương tác, đề xuất theo ngữ cảnh hoặc lồng ghép thương hiệu vào nội dung phản hồi,… đều mở ra nhiều cơ hội tiếp cận người dùng một cách sáng tạo và cá nhân hóa hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít thách thức trong việc triển khai, đặc biệt là đảm bảo trải nghiệm liền mạch và tránh gây phản cảm hoặc làm gián đoạn mạch hội thoại tự nhiên.

Sebastian Diaz – Giám đốc đổi mới truyền thông tại Bench Media cho biết: “Khả năng nhắm mục tiêu cao của nội dung AI tạo ra có thể giúp quảng cáo phù hợp hơn, thu hút nhiều sự chú ý hơn. Nhưng nếu quảng cáo xuất hiện quá nhiều, nó có thể làm suy giảm sự tin tưởng và tính liền mạch trong trải nghiệm người dùng, đặc biệt với những người đang dùng chatbot như một công cụ trò chuyện hay sáng tạo nội dung”. 

Manolis Perrakis – Giám đốc đổi mới sáng tạo tại We Are Social Singapore đồng quan điểm: “Chatbot vốn khác biệt hoàn toàn với nền tảng mạng xã hội và quảng cáo trong môi trường mới này chỉ có thể thành công nếu tích hợp mượt mà và không làm gián đoạn trải nghiệm người dùng”.

Tính khả thi trên thị trường quảng cáo trên chatbot không chỉ dựa vào tiềm năng doanh thu, mà còn phụ thuộc vào khả năng cân bằng tinh tế giữa việc cung cấp những câu trả lời hữu ích và lồng ghép các gợi ý sản phẩm một cách khéo léo, nhằm tránh biến chatbot thành một “biển quảng cáo số” như nhiều trang web hiện nay.

Giá trị thực sự của quảng cáo thông qua chatbot không nằm ở việc xuất hiện dày đặc hay gây chú ý, mà ở chỗ khiến người dùng không cảm thấy bị làm phiền. Thay vào đó, quảng cáo cần được thiết kế sao cho người dùng cảm nhận được sự hỗ trợ, như một lời gợi ý đúng lúc, phù hợp với nhu cầu chứ không phải là một hình thức tiếp thị ép buộc.

Theo Sebastian Diaz – Giám đốc đổi mới truyền thông tại Bench Media: “Bài toán khó nằm ở việc tạo ra trải nghiệm quảng cáo tự nhiên, hữu ích và không gây khó chịu. Nếu các nhà phát triển không kiểm soát được, sẽ rất khó để tăng trưởng ngay vì lượng quảng cáo cần được kiểm soát chặt”.

Một thách thức lớn khác trong việc triển khai quảng cáo trên chatbot chính là vấn đề niềm tin từ phía người dùng. Khi các nền tảng hỗ trợ công việc như ChatGPT hay Sora bắt đầu tích hợp quảng cáo, người dùng có thể nảy sinh lo ngại về tính minh bạch và khách quan của câu trả lời. Nếu họ cảm thấy rằng nội dung phản hồi đã bị “lệch hướng” hoặc chịu ảnh hưởng từ yếu tố quảng cáo, niềm tin vào chatbot – vốn được kỳ vọng là công cụ hỗ trợ trung lập và đáng tin cậy – sẽ bị suy giảm đáng kể.

Tương lai của quảng cáo trên các chatbot AI 

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Trong tương lai, liệu quảng cáo qua chatbot AI có thể trở thành xu hướng thống trị và “ăn miếng” doanh thu từ Facebook, Instagram hay TikTok?

Theo nhận định của Manolis Perrakis – Giám đốc đổi mới sáng tạo tại We Are Social Singapore, hiện tại các sản phẩm của OpenAI chủ yếu tập trung vào chức năng tìm kiếm và hỗ trợ năng suất làm việc, nên chưa ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng OpenAI có khả năng làm chao đảo thị trường tìm kiếm truyền thống.

Trong khi đó, các nền tảng AI lớn như Meta và Google đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh với những nền tảng AI như OpenAI hay Perplexity – không chỉ trong lĩnh vực quảng cáo mà còn ở cấp độ công nghệ. Cả Meta và TikTok đã bắt đầu tích hợp khả năng tìm kiếm bằng AI vào các sản phẩm của mình, đồng thời phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như Llama (Meta) hay Gemini (Google).

Điểm mạnh của họ nằm ở hệ sinh thái quảng cáo đã được xây dựng vững chắc: việc bổ sung chatbot chỉ đơn thuần là mở rộng định dạng, mang lại thêm lựa chọn cho hàng triệu nhà quảng cáo hiện tại. Perrakis cho biết, ông tin rằng Meta sẽ sớm tích hợp Llama vào các sản phẩm của mình và xây dựng định dạng quảng cáo chuyên biệt cho tính năng này.

Về phần OpenAI, nếu triển khai quảng cáo, nhiều khả năng họ sẽ ưu tiên tích hợp vào các công cụ tìm kiếm web dựa trên GPT – nơi quảng cáo có thể xuất hiện tự nhiên hơn và ít làm gián đoạn trải nghiệm người dùng so với các công cụ sáng tạo như ChatGPT, Sora hay Dall-E. Do đó, nếu có tác động đáng kể đến doanh thu quảng cáo thì cũng sẽ xảy ra ở mảng tìm kiếm nhiều hơn là mạng xã hội.

Dù quảng cáo qua chatbot AI mang nhiều tiềm năng, nhưng hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định đây sẽ là hình thức quảng cáo có thể làm thay đổi ngành quảng cáo. Theo trang Campaign, các chatbot vẫn đang hoàn thiện khả năng hiểu và dự đoán nhu cầu người dùng, khiến việc tích hợp quảng cáo đôi khi giống như đoán mò hơn là một chiến lược dựa trên dữ liệu chính xác.

Trong giai đoạn này, vai trò của chatbot có thể nghiêng về hỗ trợ – chẳng hạn như giúp marketer tạo nội dung cá nhân hóa. Giá trị thực sự có thể đến từ việc chatbot nâng cao hiệu quả cho hệ sinh thái marketing hiện có, mở ra tương lai của quảng cáo siêu cá nhân hóa dựa trên ý định. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là bước khởi đầu và các nhà phát triển công nghệ chắc chắn sẽ không đứng yên.

Nguồn: Advertising Vietnam

0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nghề Khó Dạy Tôi Kiên Nhẫn, Nghề Nan Dạy Tôi Vững Vàng | Diễn Viên Nguyễn Quốc Trường Thịnh

Nguyễn Quốc Trường Thịnh ghi dấu ấn với khán giả qua các vai diễn như Trường Ca trong Mẹ Trùm, Đại ...

“Khung Giờ Vàng” Đăng Bài Trên Các Nền Tảng Xã Hội Mới Nhất Năm 2025

Dù mỗi thương hiệu và ngành nghề mang những đặc thù riêng, việc xác định thời điểm tối ưu để đăng ...

Là Biên Kịch Nhưng Khán Giả Chỉ Nhớ Tôi Qua Thỏ Bảy Màu | Biên Kịch Đỗ Trần Thủy Tiên

Giọng nói đặc trưng của Thỏ Bảy Màu đã trở thành dấu ấn khó quên với nhiều khán giả, nhưng ít ...

Meta AI Đổ Bộ Vào Việt Nam: Trợ Lý Ảo Sẵn Sàng Phục Vụ Bạn

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2025 – Meta AI, một trong những trợ lý AI, đã chính thức ra mắt ...

Tác giả nổi bật

Theo dõi tại

Tôi chưa có tài khoản? Đăng ký
Quên mật khẩu?