Antrich Podcast cùng khách mời Đinh Văn Tiến mang đến góc nhìn mới mẻ về thành công, cạnh tranh và những hiểu lầm về Gen Z. Liệu chúng ta có thực sự cần đứng đầu để thành công?
Chúng ta có nhất thiết phải là số một?
Trong tập podcast Antrich, MC Vũ Mạnh Cường đã đặt ra một câu hỏi khiến nhiều người trẻ trăn trở: “Liệu không là số một thì không là gì cả?“.
Câu trả lời từ bạn Đinh Văn Tiến – khách mời của tập podcast – đã mở ra một góc nhìn mới mẻ, thân thiện và thực tế hơn về định nghĩa của thành công.
“Nếu ai cũng là số một, thì ai sẽ là số hai, ai là số ba?” – Tiến chân thành chia sẻ. Cái nhìn của Tiến góp phần giúp chúng ta nhận ra rằng, dù khát vọng tiên phong có thể là động lực thúc đẩy sự phát triển, nhưng nó cũng mang đến sự áp lực và căng thẳng không nhất thiết.
Thành công không chỉ đơn thuần là số một trong lĩnh vực của bạn. Thành công còn là quá trình tích luỹ và những bước tiến nhỏ.
Tiến còn đặt ra một vấn đề rộng hơn về việc “số một” thật sự được so sánh với ai: “Số một so với 5 người sẽ khác, số một so với 1000 người sẽ khác và so với 1 triệu người càng khác.” Thành công vì vậy không phải một đích đến tĩnh mà là quá trình không ngừng học hỏi và đổi chiếu.
Đinh Văn Tiến là 1 trong 2 thủ khoa của chương trình đào tạo tiêu chuẩn ngành Quan hệ Công chúng Trường Đại học Văn Lang năm 2024
Cũng trong cuộc trò chuyện, Tiến đề cao quan điểm rằng: “Lắm lúc, số 10 cũng được, quan trọng là bản thân mình mãn nguyện với kết quả đó.” Chính việc tự nhìn nhận và chấp nhận bản thân là yếu tố cần thiết để đạt được thành công theo cách đúng với chính bạn.
Cạnh tranh – Động lực hay áp lực?
Trong xã hội hiện đại, cạnh tranh là yếu tố không thể tránh khỏi, đặc biệt với những người trẻ đang tìm kiếm cơ hội và khẳng định bản thân. Khách mời Đinh Văn Tiến trong Podcast Antrich đã đưa ra một góc nhìn thú vị: “Nếu bị đặt vào một tình huống không còn gì cả, bắt buộc phải cạnh tranh thì đó là cạnh tranh liên quan đến sinh tử.” Ở một số trường hợp, nếu không đấu tranh, không tìm cách vươn lên, người ta có thể bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng nếu cạnh tranh không đạt đến mức độ “sống còn”, nó lại trở thành động lực thúc đẩy cá nhân phát triển. Điều này phản ánh quan điểm rằng xã hội sẽ không thể phát triển nếu thiếu đi sự cạnh tranh. Một khía cạnh khác liên quan đến chủ đề này là “áp lực đồng trang lứa” (Peer Pressure), mà theo Tiến, không phải lúc nào cũng tiêu cực. “Quan trọng là góc độ bản thân mình xem nó là động lực hay là thứ kéo mình xuống.“
Một khía cạnh quan trọng khác được bàn luận trong podcast là tính công bằng trong cạnh tranh. Theo Tiến, có hai dạng cạnh tranh: một dạng mà cá nhân có thể tác động, và một dạng đã được sắp đặt sẵn từ trước. Những cuộc cạnh tranh đã được định đoạt từ đầu thường không lành mạnh và có thể gây tổn thương cho những người tham gia.
Vậy người trẻ cần làm gì? Tiến cho rằng quan trọng nhất là rèn luyện kỹ năng nhận biết: “Liệu đây có phải là cuộc chơi mình nên tham gia hay không? Nếu bản chất nó không lành mạnh, tất cả những sự cạnh tranh trong đó cũng sẽ không lành mạnh.” Điều này cho thấy ngoài việc nỗ lực, mỗi cá nhân cũng cần tỉnh táo để chọn lựa môi trường phát triển phù hợp.
Gen Z có thực sự không trung thành?
Một trong những hiểu lầm phổ biến về Gen Z là họ không trung thành – không trung thành với công ty, không trung thành với người đào tạo mình. Nhiều nhà quản lý chia sẻ rằng họ mất hàng tháng, thậm chí cả năm để đào tạo một nhân viên trẻ, nhưng rồi họ rời đi ngay khi có cơ hội tốt hơn. Điều này dẫn đến định kiến rằng Gen Z là thế hệ “nhảy việc”.
Đinh Văn Tiến chia sẻ tại Podcast Antrich
Tuy nhiên, theo Đinh Văn Tiến – khách mời của podcast Antrich, quan điểm này chưa thực sự công bằng. Anh chia sẻ: “Chẳng ai trung thành với bất kỳ điều gì cả. Họ chỉ trung thành với một thứ duy nhất là giá trị của bản thân họ.”
Vậy điều gì giữ chân Gen Z ở một nơi làm việc? Theo Tiến, đó không chỉ là lương bổng mà còn là những giá trị họ nhận được, như cơ hội học hỏi, môi trường làm việc tích cực, sự ghi nhận và cơ hội cống hiến. Khi những giá trị đó không còn phù hợp, việc họ rời đi không phải là thiếu trung thành, mà đơn giản là một lựa chọn thực tế.
Có phải Gen Z thiếu tình nghĩa trước sau?
Một quan điểm khác thường gắn với Gen Z là họ thiếu tình nghĩa, không coi trọng sự gắn bó lâu dài. Nhưng liệu điều này có chính xác?
Tiến phản biện: “Chúng ta không thể đánh đồng một số cá nhân với cả một thế hệ. Có thể những người anh chị từng gặp không trung thành, nhưng liệu họ có đại diện cho tất cả Gen Z?” Thực tế, mỗi thế hệ đều có những cá nhân thiếu trách nhiệm, nhưng điều đó không thể trở thành tiêu chí đánh giá chung.
Vấn đề cốt lõi không nằm ở thế hệ, mà ở thái độ của từng cá nhân. Nếu một người làm việc với sự cam kết, có trách nhiệm và ứng xử chuyên nghiệp, thì họ sẽ được ghi nhận – dù họ thuộc thế hệ nào đi chăng nữa.
Những hiểu lầm về Gen Z phần lớn xuất phát từ việc nhìn nhận một cách phiến diện. Họ không thiếu trung thành, họ chỉ trung thành với giá trị của mình. Họ không thiếu tình nghĩa, mà cần được đánh giá trên từng cá nhân, thay vì cả một thế hệ. Podcast Antrich đã mang đến một góc nhìn khách quan hơn về Gen Z – một thế hệ có bản lĩnh, có định hướng và luôn tìm kiếm giá trị thực sự cho mình. Thay vì gắn mác hay định kiến, hãy cùng hiểu và đồng hành với họ trên hành trình phát triển của tương lai.
Xem chi tiết Podcast: Gen Z Muốn Dẫn Đầu, Hãy Chạy Sau Người Khác | Khách Mời Đinh Văn Tiến
ANTRICH – Kênh truyền thông được sản xuất bởi SanMedia với mục tiêu chia sẻ kiến thức có giá trị thực tế đến cộng đồng, hướng tới đối tượng các bạn trẻ bằng những nội dung chất lượng và thông điệp tích cực.
#Antrich #Sanmedia #AntrichPodcast #podcastGenZ #dinhvantien #marketing #genZ #truyencamhung #thehe #thanhcong