Trang chủ / Bài viết / Góc Ngỏ: Nếu Bạn Muốn Học, Hãy Để Đời Dạy

Góc Ngỏ: Nếu Bạn Muốn Học, Hãy Để Đời Dạy

Nếu bạn nghĩ chỉ những nhà giáo chức trên giảng đường mới có thể cho bạn những bài học giá trị, Trác Thúy Miêu và MC Hải Triều có thể sẽ thay đổi suy nghĩ đó của bạn trong số đầu tiên của Góc Ngỏ.

Giữa vô vàn những bài học truyền thống, tập đầu tiên của Góc Ngỏ mang đến một quan điểm đầy táo bạo: “Học thầy không tày học ‘sự vô tri của người khác’”. Dưới góc nhìn độc đáo của Trác Thúy Miêu và MC Hải Triều, cuộc đối thoại mở ra một không gian phản tư đa chiều, nơi những thất bại, sai lầm, những cuộc tình dĩ vãng và cả những điều tưởng như vô giá trị trở thành nguồn tri thức vô hạn.

“Vô tri” là một người thầy

Chúng ta thường nghĩ chỉ những người thầy chính quy mới đủ sức khiến sự học trở nên có giá trị – đó có thể là một giảng sư trên giảng đường, một tiền bối đáng kính, hay một ai đó ta ngưỡng mộ. Nhưng thực tế, bài học đắt giá đôi khi chỉ hiển lộ khi cổng trường đã khép.

Tại Góc Ngỏ, ngay từ những phút đầu tiên của tập phát sóng, Trác Thúy Miêu và MC Hải Triều đã đặt khán giả vào một câu hỏi đầy gợi mở: Liệu rằng, chúng ta có học được gì từ những điều vô tri? Bắt đầu từ một nghi vấn tưởng như phi lý, 2 Host đặt ra một phương cách tiếp cận sự học độc đáo: Chính ngay trong sự vô tri nằm ẩn những giá trị mà ta có thể học.

Trác Thúy Miêu và MC Hải Triều tại Góc Ngỏ. Ảnh: ANTRICH

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao một con búp bê nhỏ bé như Labubu hay Baby Three lại trở thành cơn sốt trong cộng đồng sưu tầm? Ngay trong những món đồ vô tri vô giác, ta thấy nằm ẩn trong đó những tạo tác kỳ công của một chiến lược Marketing bài bản. Bài học về nghề đến từ việc các nhà kinh tế đặt vào những thứ vô hồn một câu chuyện, cách họ bán lòng hiếu kỳ và tận dụng triệt để cảm giác FOMO của người tiêu dùng… 

Tương tự, khán giả Việt thường xuyên phàn nàn rằng điện ảnh nước nhà đang dần “hỏng hóc” bởi những kịch bản quá ư… tào lao. Nhưng tại Góc Ngỏ, 2 Host khuyến khích chúng ta dừng lại đôi chút, để lần tìm bên trong những dự án phim “vô tri” một điều mình có thể học.

Dẫu đã biết phim Việt vốn tệ, vì sao ta vẫn đưa chân đến rạp để lại lần nữa não nề: Biết vậy không đi xem! Dẫu gì chăng nữa, chiếc vé đó đã nằm trong tay mình. Bài học có thể không nằm ở bộ phim, mà nằm trong cách đoàn làm phim và đội ngũ truyền thông đưa khán giả đến rạp hết lần này đến lần khác!

20/11 là dịp tri ân Người Yêu Cũ

Nghe có vẻ lạ, nhưng người yêu cũ đôi khi chính là “người thầy không cầm phấn” đầu tiên trong đời ta. Họ dạy ta bài học về giới hạn bản thân, về việc yêu không có nghĩa là đánh đổi lòng tự trọng. Như Hải Triều thừa nhận tại Góc Ngỏ: “Mình sẽ thật sự thất bại bởi mình cho nhiều hơn là nhận”. Những mối tình đầu, với tất cả sự bồng bột và cuồng nhiệt, đôi khi là lần đầu tiên ta học được cách tự đặt ranh giới, biết yêu nhưng không quên bảo vệ chính mình.

MC Hải Triều tại Góc Ngỏ. Ảnh: ANTRICH

Và ngay cả khi tình yêu không đi đến đâu, người cũ vẫn có thể dạy ta cách trưởng thành. Trác Thúy Miêu ví von: “Người yêu cũ không phải là điều cần lãng quên. Họ là chất liệu giúp ta hoàn thiện bản thân”. Đôi khi, việc nhìn lại những thất bại không phải để buồn bã, mà để hiểu bản thân hơn. Cũng như trong tình yêu, trong cuộc đời, không phải ai cũng có may mắn được học từ những tổn thương.

Bài học đắt giá sau những lần vấp ngã

Cuộc sống không bao giờ phát bài học theo cách nhẹ nhàng. Có khi nó vả cho mình một cú thật đau, để rồi sau đó mới nhẹ nhàng nhắc: Học được chưa?. Trong tập này của Góc Ngỏ, Trác Thúy Miêu và MC Hải Triều không né tránh những cú ngã, họ nhìn thẳng vào nó, lật mở từng lát cắt, và hỏi nhau: Phải chăng vấp ngã không phải là kết thúc, mà là lời mời bước vào một lớp học lớn hơn?

Từ nỗi đau mất người thân, những lần thất bại nghề nghiệp, đến cả khoảnh khắc thấy chính mình không còn đủ vững vàng – mỗi lần gãy đổ lại là một lần hiểu đời sâu sắc hơn. Trác Thúy Miêu nói rằng: Đôi khi, bài học chỉ hiện ra khi mình chịu ở lại thật lâu trong cảm giác khốn cùng đó. Còn Hải Triều gọi những thất bại của mình là “tài sản” – vì chính chúng đã định hình nên cách anh chọn sống, chọn làm nghề. Và có lẽ, đó cũng là cách cuộc đời dạy ta trưởng thành – bằng những lần ngã đủ đau để ta nhớ mãi, nhưng cũng đủ ấm để ta biết: mình còn cơ hội để đứng lên.

Trác Thúy Miêu tại Góc Ngỏ. Ảnh: ANTRICH

Và ở Góc Ngỏ, Trác Thúy Miêu cùng Hải Triều không cố gắng dạy ai điều gì, họ chỉ ngồi lại, kể những mảnh chuyện thật – về một người cũ, một lần thất bại, hay một nỗi đau từng ngỡ không thể vượt qua. Nhưng chính trong những câu chuyện đó, ta bất chợt thấy mình. Thấy bài học không nằm ở trang sách, mà nằm trong cách ta chấp nhận bị tổn thương, biết ơn những lần gãy đổ, và học cách bước tiếp dù không ai buộc ta phải mạnh mẽ. Vì đôi khi, chỉ cần chịu lắng nghe, ta mới hiểu: cuộc đời vẫn luôn dạy ta bằng những cách rất riêng.

Góc Ngỏ – dự án thuộc ANTRICH Podcast, là chương trình được sản xuất bởi San Media.

#Antrich #antrichpodcast #Sanmedia #gocngo #podcast #talkshow #tracthuymieu #MCHaiTrieu #cuocsong #xahoi #giaitri #trending

0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mancode by PNJ: PNJ Ra Mắt Trang Sức Dành Riêng Cho Quý Ông

Với tầm nhìn trở thành công ty chế tác trang sức và bán lẻ hàng đầu châu Á, vươn tầm thế ...

LG Ghi Danh Top 100 Thương Hiệu Toàn Cầu 2024 Nhờ Việc Tái Định Vị

Mong muốn kiến tạo một hình ảnh thương hiệu đồng nhất, LG Electronics đã tiến hành chiến dịch tái định vị ...

6 Mong Muốn Của Người Tiêu Dùng Mà Các Thương Hiệu Nên Quan Tâm

Một cuộc khủng hoảng trôi qua đã tác động đến mối quan hệ giữa người tiêu dùng và thương hiệu. Những ...

Met Gala 2025: Hiện Tượng Văn Hoá Và Cuộc Chơi Định Vị Thương Hiệu Triệu Đô

Vào thứ Hai đầu tiên của tháng Năm, ngày 6/5/2025, giới mộ điệu lại một lần nữa hướng về bậc thềm ...

Tác giả nổi bật

Theo dõi tại

Tôi chưa có tài khoản? Đăng ký
Quên mật khẩu?