Trong thế giới bán lẻ hiện đại, việc mở một cửa hàng không còn chỉ là cuộc chơi của doanh số và nhận diện thương hiệu. Một làn sóng mới đang trỗi dậy, nơi các thương hiệu không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cả trải nghiệm. Đây chính là Branded Hospitality – xu hướng đưa sự hiếu khách trở thành trung tâm của chiến lược bán lẻ.
Theo đó, một làn sóng cửa hàng pop-up mới bắt đầu xuất hiện, ưu tiên trải nghiệm nhập vai và khai thác cuộc sống hàng ngày của người dùng. Trong kỷ nguyên mà mọi khoảnh khắc đều có thể lan truyền mạnh mẽ trên TikTok hay Instagram Reels, những thương hiệu thông minh hiểu rằng một không gian được thiết kế chỉn chu, khơi gợi cảm xúc và gắn kết cộng đồng có thể trở thành động lực mua sắm mạnh mẽ nhất.
Branded Hospitality – Sự hiếu khách của thương hiệu sẽ là một trong những xu hướng tiếp thị có tác động lớn trong năm 2025. Những thương hiệu nào biết cách “chiêu đãi” khách hàng bằng trải nghiệm chính là những thương hiệu sẽ dẫn đầu.
Các cửa hàng Pop-Up mang lại sức sống cho ngành bán lẻ
Trong thời đại mà trải nghiệm mua sắm trực tuyến dường như thống trị, các cửa hàng pop-up được xây dựng để thổi một luồng sinh khí mới vào không gian bán lẻ vật lý. Những mặt tiền tạm thời này trở thành “sân khấu” cho thương hiệu kể câu chuyện của mình theo cách độc đáo nhất – đôi khi là một phòng trưng bày nghệ thuật sống động và đôi khi lại là một ki ốt.
Những thương hiệu trẻ như Rhode hiểu rõ sức mạnh của pop-up stores hơn ai hết. Trước khi đặt nền móng cho các cửa hàng cố định, thương hiệu mỹ phẩm của Hailey Bieber đã tận dụng triệt để những không gian này để xây dựng cộng đồng và khuấy động sự hào hứng từ người tiêu dùng.
Không gian pop-up của Rhode không chỉ là nơi mua sắm mà còn là một “dreamland” (vùng đất mơ ước) dành cho giới trẻ. Có rất nhiều gian photobooth lan truyền mạnh mẽ trên TikTok và mỗi góc nhỏ đều được thiết kế để trở thành bối cảnh hoàn hảo cho những bức ảnh triệu like. Một không gian trưng bày khổng lồ, một chút thời gian giới hạn, một chút hàng hóa khan hiếm – đó là công thức vàng khiến mọi người xếp hàng hàng giờ chỉ để chạm tay vào “trải nghiệm Rhode” có một không hai.
Nếu Rhode là “tân binh” đầy tham vọng của thế giới pop-up, thì Jacquemus chính là bậc thầy trong cuộc chơi này. Thương hiệu thời trang Pháp đã biến chúng thành một không gian nghệ thuật, một vở diễn mãn nhãn dành cho các tín đồ thời trang. Một chiếc máy bán túi tự động, một chiếc túi xách khổng lồ dựng ngay giữa vỉa hè, hay thậm chí là một khu giặt sấy “high-fashion” – đó là cách thương hiệu này biến mỗi pop-up thành một điểm check-in lan truyền cho khách hàng.
Như nhà sáng lập Simon Porte Jacquemus từng chia sẻ: “Pop-up là để vui vẻ. Mọi người không chỉ muốn mua sắm, họ muốn khám phá, muốn bất ngờ, muốn cảm nhận.” Và đúng như vậy, từng cửa hàng pop-up của Jacquemus đều mang đến những cú twist đầy sáng tạo, đánh thức trí tò mò và niềm hứng khởi trong lòng khách hàng.
Sự bùng nổ của pop-up stores còn là lời khẳng định mạnh mẽ rằng: bán lẻ không sụp đổ, nó chỉ đang khoác lên mình một diện mạo mới sống động hơn, sáng tạo hơn và kết nối hơn bao giờ hết. Từ mỹ phẩm đến thời trang cao cấp, từ những không gian tối giản đến những “sân khấu” hoành tráng, cửa hàng pop-up đang làm sống dậy tinh thần của “nhà hát bán lẻ”, nơi mỗi thương hiệu có thể biến khách hàng thành một phần của câu chuyện.
Branded Hospitality thúc đẩy trải nghiệm bán lẻ phát triển mạnh mẽ
Nếu các cửa hàng pop-up là những sân khấu sôi động thu hút sự chú ý trong chốc lát, thì không gian hiếu khách của hương hiệu (branded hospitality) lại đóng vai trò thu hút khách hàng đắm chìm vào thế giới của thương hiệu một cách trọn vẹn hơn. Những năm gần đây, từ Armani, Ralph Lauren, Coach cho đến Louis Vuitton hay Dior, hàng loạt thương hiệu xa xỉ đã bước chân vào lĩnh vực nhà hàng, quán cà phê.
Việc một nhà mốt nổi danh với đồ da cao cấp lại mở một quán cà phê nghe có vẻ không liên quan, nhưng thực chất đây là chiến lược giúp mở rộng “vũ trụ thương hiệu”. Coach, chẳng hạn, không chỉ mang di sản Mỹ của mình đến thị trường Indonesia bằng túi xách hay phụ kiện, mà còn bằng một trải nghiệm ẩm thực chuẩn New York. Blue Box Café của Tiffany & Co. không chỉ là nơi để thưởng trà, mà còn là điểm đến trong những dịp đặc biệt – nơi người ta tổ chức sinh nhật, kỷ niệm, đính hôn, và tất nhiên, tìm kiếm chiếc nhẫn hoàn hảo. Thay vì chỉ bán sản phẩm, thương hiệu đang bán cả một cảm xúc, một khoảnh khắc khó quên.
Nhưng không chỉ có vậy. Những không gian như Le Café Louis Vuitton tại Bangkok, Osaka, London,… còn giúp thương hiệu chạm đến một đối tượng khách hàng hoàn toàn mới – những người chưa đủ khả năng sở hữu một chiếc túi LV nhưng vẫn khao khát một phần của trải nghiệm xa xỉ. Một ly cà phê trong không gian mang đậm dấu ấn thương hiệu có thể là bước đầu tiên để họ dấn thân vào hành trình trở thành khách hàng trung thành. Và trong thế giới nơi mọi khoảnh khắc đều được ghi lại trên mạng xã hội, những tấm ảnh check-in từ quán cà phê Louis Vuitton hay nhà hàng Dior không chỉ là kỷ niệm cá nhân, mà còn trở thành một phần của câu chuyện thương hiệu lan tỏa rộng rãi.
Branded hospitality có thể đang trở thành chìa khóa để thương hiệu củng cố sức hấp dẫn của mình trong tâm trí khách hàng. Khi mọi tương tác với thương hiệu đều có thể trở thành một trải nghiệm đáng nhớ, việc xây dựng những không gian mang đậm tinh thần thương hiệu không còn là lựa chọn, mà là điều tất yếu trong cuộc đua chinh phục người tiêu dùng.
Nguồn: Adverrtising Vietnam