Từ ngày 1/4, Shopee và TikTok Shop sẽ chính thức áp dụng mức phí mới, tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Trước đó, Lazada đã tăng phí từ ngày 1/2, gây áp lực lớn lên các nhà bán hàng. Nhiều người lo ngại rằng sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm, sức cạnh tranh và doanh thu trong thời gian tới.
Tăng phí, siết chặt chính sách, giảm ưu đãi
Không chỉ tăng phí cố định, các sàn thương mại điện tử còn cắt giảm ưu đãi và siết chặt các chính sách hỗ trợ, khiến chi phí hoạt động của người bán gia tăng đáng kể. Cộng đồng kinh doanh online đang đối mặt với nhiều khó khăn khi biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp.
Cụ thể, Shopee điều chỉnh phí hoa hồng đối với nhiều ngành hàng như máy tính, laptop, điện thoại và phụ kiện. Đáng chú ý, các ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, nhà cửa & đời sống, sức khỏe, mẹ & bé sẽ chịu mức phí mới từ 9-10%, tăng mạnh so với trước.
Bên cạnh đó, người bán còn phải gánh thêm phí vận chuyển nếu đơn hàng giao không thành công hoặc khách từ chối nhận hàng. Với mức phí mới, nhà bán hàng trên Shopee sẽ phải chi trả các khoản phí bao gồm:
- Phí cố định: 1-4%
- Phí thanh toán: 5%
- Phí dịch vụ gói Freeship Extra: 6% (tối đa 50.000 đồng/sản phẩm)
TikTok Shop cũng thông báo điều chỉnh phí, nâng mức thu từ 3% lên 4% đối với nhà bán hàng thông thường. Đối với Shop Mall – nhóm cửa hàng uy tín hơn – phí sẽ dao động từ 6,05-7,7%.
Trước đó, Lazada đã nâng phí cố định từ 3% lên 4%, đồng thời giảm mức trợ giá cho chương trình Freeship Max từ 8% xuống 6% giá trị đơn hàng. Đặc biệt, người bán tham gia chương trình này sẽ không còn được miễn phí cố định như trước. Tính tổng thể, các loại phí trên sàn đã chiếm khoảng 15% doanh thu của nhà bán hàng, tăng 2% so với trước đây.
Người bán gặp khó, giá hàng hóa có thể tăng
Sự điều chỉnh phí này khiến nhiều nhà bán hàng bức xúc. Chị Thu Uyên (TP.HCM) – kinh doanh đồ chơi trẻ em trên các sàn TMĐT – cho biết mức phí tăng gấp 2-3 lần đang tạo áp lực lớn. “Không chỉ phí cố định tăng, người bán còn chịu thiệt khi khách không nhận hàng hoặc ‘bùng’ đơn, khiến kinh doanh ngày càng khó khăn”, chị Uyên chia sẻ.
Điều chỉnh phí của các sàn thương mại điện tử (Nguồn: Tổng hợp)
Chị Nguyễn Kiều Trinh, một chủ shop thời trang tại TP.HCM, cũng bày tỏ sự lo lắng: “Nếu không tăng giá sản phẩm thì khó có lợi nhuận, mà tăng giá lại khiến việc bán hàng trở nên khó khăn hơn”. Trước đây, quần áo bán trên sàn luôn có giá thấp hơn so với cửa hàng truyền thống, nhưng hiện tại chị đã phải điều chỉnh để cân bằng chi phí.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định việc tăng phí có thể tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Nhiều khách hàng đã quen với việc săn hàng giá rẻ trên các nền tảng TMĐT, nhưng với chính sách mới, mức giá ưu đãi có thể không còn hấp dẫn như trước.
Mua hàng qua livestream không còn rẻ?
Võ Hà Linh – một trong những KOL nổi bật trong lĩnh vực bán hàng livestream – cho biết từ ngày 1/4, phí sàn tăng mạnh khiến giá hàng hóa phải điều chỉnh theo. Theo cô, phiên bán hàng ngày 15/3 có thể là cơ hội cuối để người tiêu dùng mua hàng với mức giá tương tự năm ngoái.
Sau gần 10 năm làm tiếp thị liên kết, cô nhận thấy chưa bao giờ nhãn hàng than phiền nhiều như năm nay. “Ngay cả khi áp voucher, giá cuối cùng vẫn cao hơn trước. Mua trên livestream giờ đây cũng không còn rẻ như trước”, cô chia sẻ.
Diệp Lê – một KOL khác – cũng thừa nhận giá cả đang có nhiều biến động. Dù mua sắm trực tuyến ngày càng thuận tiện, nhưng cơ hội săn được sản phẩm với giá hời đang giảm dần.
Sàn TMĐT lý giải về việc tăng phí
Đại diện Shopee cho biết việc điều chỉnh phí nhằm đảm bảo nền tảng vận hành hiệu quả và phù hợp với thị trường. Shopee cam kết tái đầu tư vào nâng cấp nền tảng và hỗ trợ sự phát triển bền vững cho người bán. Theo nền tảng này, người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn, đòi hỏi người bán phải thích ứng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
TikTok Shop cũng khẳng định việc tăng phí sẽ đi kèm với các chương trình hỗ trợ người bán, bao gồm cải thiện nền tảng và trợ giá cho các chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Đại diện Lazada cho biết quyết định điều chỉnh phí được đưa ra sau khi cân nhắc các yếu tố khách quan như chi phí vận hành, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ và logistics. Cùng với việc tăng phí, Lazada sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, hỗ trợ tối ưu chi phí và kích cầu mua sắm để giúp người bán duy trì sức cạnh tranh.
Lazada triển khai các chương trình đào tạo để tối ưu chi phí (Nguồn: KOC Vietnam)
Người bán cần làm gì để thích ứng?
ThS Nguyễn Phạm Hoàng Huy – chuyên gia TMĐT tại FPT Polytechnic HCM – nhận định rằng việc tăng phí là xu hướng tất yếu khi các sàn thương mại điện tử đã đạt được thị phần lớn. “Trước đây, các nền tảng chấp nhận lỗ để thu hút người bán và người mua, nhưng khi hệ sinh thái đã đủ mạnh, họ cần tối ưu lợi nhuận – tương tự mô hình của các hãng xe công nghệ”, ông phân tích.
Theo ông Huy, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ chịu tác động lớn nhất. Khi giá sản phẩm tăng, sức mua giảm, chi phí quảng cáo cao hơn, và rủi ro từ khách đặt hàng nhưng không nhận gia tăng. Biên lợi nhuận có thể giảm từ 15% xuống chỉ còn 7%.
Để thích ứng, nhà bán hàng cần tối ưu chi phí vận hành, tìm nguồn hàng giá tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, họ cần xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt, dịch vụ hậu mãi tốt và đa dạng hóa kênh bán hàng thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sàn TMĐT.
Trong bối cảnh hiện tại, chiến lược bán hàng hiệu quả không chỉ nằm ở giá cả, mà còn phụ thuộc vào trải nghiệm mua sắm, chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Những ai nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi sẽ có lợi thế hơn trong thị trường ngày càng cạnh tranh này.